Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực Châu Á -Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Ô nhiễm ôzôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.
Để từng bước giải quyết những vấn đề nêu trên, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã đưa ra Chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6) năm 2019 là “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Bộ TNMT, Tổng cục Môi trường và các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức,... đã, đang và sẽ triển khai nhiều hành động thiết thực, có tính lan tỏa sâu rộng vì môi trường không khí trong lành.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2019
Huy động cộng đồng, nhân dân hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2019
Để hưởng ứng chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm nay, Bộ TNMT đã phát động “Tháng hành động vì môi trường”, phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành có liên quan, các địa phương, tổ chức và cộng đồng thực hiện chuỗi hoạt động hưởng ứng.
Ngày 1/6, tại Bạc Liêu, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tham dự Lễ phát động quốc gia tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới năm 2019 do Bộ TN&MT, phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức. Bên cạnh lễ phát động, nhiều hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới do Bộ TN&MT, UBND tỉnh Bạc Liệu phối hợp tổ chức cũng đã diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu vào các ngày 31/5 và 01/6. Theo đó, sáng ngày 31/5 đã tổ chức Lễ phát động ra quân trồng rừng phòng hộ ven biển tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu nhằm lan tỏa phong trào tái sinh rừng để ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo sinh kế cho người dân vùng ven biển tỉnh Bạc Liêu; đồng thời, góp phần chuyển tải thông diệp sâu rộng đến cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên và người dân về ý nghĩa vô cùng to lớn của hệ sinh thái rừng ngập mặn, để mọi người chung tay bảo vệ và cùng nhau chăm sóc rừng ngập mặn như thông điệp “Hãy giữ gìn rừng ngập mặn như một sự giữ gìn môi trường bền vững nhất”.
Chiều ngày 31/5, các đại biểu đã tham dự lễ Khởi công nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi. Việc xây dựng nhà máy xử lý rác sẽ góp phần giảm tải cho bãi rác của thành phố Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi đã bị quá tải, thay thế cho công nghệ xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp không phát huy được hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường.
Tiếp đó, đã tổ chức Khánh thành sân chơi cho trẻ em tại cộng đồng dân cư sống ven khu vực rừng phòng hộ và hoạt động trồng cây tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu và Hội thảo Cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường do Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Bộ TN&MT phối hợp tổ chức
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và các đại biểu tại Lễ Khởi công nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi
Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 985a/ QĐ – TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Kế hoạch đề ra mục tiêu tổng quát là hướng tới tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí (CLKK) thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; giám sát CLKK xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Theo đó, cơ quan quản lý phải tập trung kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; đầu tư, thực hiện đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm hạn chế phát sinh khí thải; tiếp tục đầu tư xây dựng, lắp đặt, vận hành các hệ thống thiết bị xử lý khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường không khí. Phải hoàn thành thực hiện quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô 2 bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới...
Ngoài ra, căn cứ vào Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế hiệu, Nghị định số 40/2019/ND-CP ngày 13/5/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2019 thì chủ nguồn thải khí thải công nghiệp có phát sinh khí thải lưu lượng lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT để kiểm soát; đồng thời, các dự án có phát sinh chất thải công nghiệp lớn đều phải có giấy phép xả khí thải công nghiệp.
Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được ban hành, Bộ TNMT cũng đã xây dựng Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí; đồng thời, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan. Bộ TNMT, Tổng cục Môi trường đã triển khai thực hiện các quy định về BVMT không khí theo Luật BVMT năm 2014, trong đó tập trung vào công tác quản lý, giám sát các nguồn thải và trách nhiệm của chủ nguồn thải; xây dựng đồng bộ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải các ngành công nghiệp…
Đặc biệt, Bộ đã tăng cường các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tăng cường kinh phí cho quản lý môi trường không khí, đặc biệt là hình thành hệ thống công cụ kinh tế như phí BVMT đối với khí thải, xây dựng cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải khí thải giữa các doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các KCN.
Thứ trưởng Võ Tấn Nhân bàn giao sân chơi cho trẻ em cho cộng đồng dân cư
Triển khai các hoạt động để lan tỏa thông điệp của Ngày Môi trường thế giới năm 2019
Để thông điệp Ngày Môi trường thế giới năm 2019 tiếp tục được lan tỏa, Bộ TNMT đã phát động “Tháng hành động vì môi trường”. Bộ TNMT đã đề nghị các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương, tổ chức và cộng đồng tiếp tục thực hiện một số hoạt động như đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người và môi trường; tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt nguồn khí thải gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn do giao thông: quản lý chất lượng phương tiện giao thông, xử lý hiệu quả bụi và tiếng ồn phát sinh từ phương tiện giao thông, tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch, phát triển hạ tầng giao thông đô thị bền vững, quy hoạch hợp lý các tuyến giao thông đô thị, tăng mật độ cây xanh, áp dụng các biện pháp giảm tắc nghẽn giao thông, giải thiểu tiếng ồn đô thị.
Bên cạnh đó, cần phải kiểm soát khí thải, bụi và tiếng ồn do hoạt động xây dựng tại các thành phố lớn, đặc biệt là các khu dân cư: Kiểm soát, quản lý chặt nguồn phát sinh bụi, tiếng ồn từ công trình xây dựng bao gồm cả các công trình xây dựng trong giao thông (đường sắt đô thị, đường trên cao); nghiên cứu, sử dụng vật liệu chống ồn để xây dựng đường xá, tường cách âm, chống ồn tại các công trình xây dựng. Kết hợp, trồng thêm cây xanh trong các khu vực đô thị; thực hiện việc đầu tư, lắp đặt, vận hành, kết nối hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục từ các đô thị, cơ sở sản xuất có nguồn khí thải lớn thông suốt từ Trung ương đến địa phương để phục vụ công tác quản lý, dự báo, cảnh báo chất lượng không khí.
Đặc biệt, nhiều hoạt động mít tinh hưởng ứng ngày Môi trường thế giới nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết về tác hại của ô nhiễm không khí; thực hiện các hoạt động cụ thể như trồng cây xanh, đi xe đạp, tiết kiệm điện để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí đã được tổ chức đồng loạt tại nhiều địa phương, cơ sở giáo dục, bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước trong ngày 5/6.
Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu phát biểu khai mạc lễ mít tinh
Lễ phát động tại tỉnh Cần Thơ
Sáng 4/6/2019, các đại biểu tỉnh Quảng Nam tham gia trồng cây xanh trên nhiều tuyến đường, khu vực trong Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (ảnh: Báo TN&MT)
Tiếp tục thực hiện các giải pháp căn cơ nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam
Để giảm thiểu, tiến tới kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp chính như tập trung cho hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật theo hướng đưa các điều khoản sửa đổi về bảo vệ môi trường không khí, giám sát, kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường không khí trong sửa đổi Luật bảo vệ môi trường năm 2014, trình Quốc Hội trong năm 2020; rà soát, đánh giá, đề xuất hoàn thiện các các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường trong kiểm soát khí thải từ các nguồn thải; kiểm soát môi trường không khí xung quanh, tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.
Thiết lập được mạng lưới các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục đủ lớn, đảm bảo cho việc quan trắc, thu nhận, truyền dẫn số liệu giúp các cơ quan quản lý có thể theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo được chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Qua đó góp phần bảo vệ cho người dân được sống trong môi trường ngày một tốt hơn, trong lành hơn.
Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trong giao thông, xây dựng; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai tốt các hoạt động kiểm soát các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí (giao thông, Công nghiệp, nông nghiệp, Xây dựng), xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để tạo tính răn đe; yêu cầu chủ dự án các công trình đầu tư xây dựng phải tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động thi công, xây dựng.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường không khí nói riêng; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm xe phương tiện cá nhân, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; trong nội đô: tăng cường sử dụng các loại xe điện; trồng nhiều cây xanh tạo thành các vành đai xanh, khu phố xanh, thành phố xanh...
Hội thảo Cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường do Bộ TN&MT phối hợp với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức ngày 01/6/2019 tại tỉnh Bạc Liêu
(VEA)